Chương trình quan sát Kính_thiên_văn_Chân_trời_sự_kiện

Quan sát ở chế độ mạng lưới

“Có rất nhiều hứng thú, chúng tôi đã xây dựng kính thiên văn ảo từ hai thập kỷ trước, và vào tháng Tư chúng tôi sẽ thực hiện quan sát mà chúng tôi nghĩ rằng đây là cơ hội thực sự đầu tiên mang chân trời sự kiện của lỗ đen vào tâm điểm chú ý.”

Phát biểu bởi lãnh đạo dự án Sheperd Doeleman từ Trung tâm thiên văn vật lý Harvard-Smithsonian tại Cambridge, Massachusetts (2017)[7]

Dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện chỉ có thể thực hiện quan sát với mạng lưới toàn cầu một lần trong một năm, phụ thuộc vào kế hoạch quan sát của các đài quan sát, thời tiết và thời điểm Sagittarius A* và M87 ở vị trí thuận lợi quan sát trên bầu trời.[22] Ở thời điểm quan sát đầu tiên năm 2006, chỉ có ba đài quan sát được kết nối với nhau.[3] EHT bắt đầu quan sát Sagittarius A* năm 2007 và M87 năm 2009. Mặc dù ban đầu độ phân giải góc khá thấp, dữ liệu thu được đã mang lại những kết quả khoa học quan trọng.[19][35] Sau nhiều năm chuẩn bị, công nghệ kính thiên văn đã dần đạt tới tiêu chuẩn cho phép quan sát chân trời sự kiện những năm gần đây.[36] Từ lúc bắt đầu dự án, các nhà thiên văn đã điều phối thời gian quan sát giữa một vài kính thiên văn, và cũng thiết lập các thiết bị cần thiết để trang bị cho các trạm quan sát. Bởi vì bước sóng quan sát nằm trong dải bị hơi nước hấp thụ, quá trình quan sát bị ảnh hưởng lớn bởi thời tiết,[37] và do đó hầu hết các trạm của EHT nằm ở những nơi có thời tiết ổn định vào mùa đông.[1]

Tháng Tư 2017, lần đầu tiên dự án EHT đã có đủ số lượng trạm quan sát cần thiết để đạt tới độ phân giải góc đủ để quan sát các chân trời sự kiện mục tiêu. Trung tâm điều hành quan sát được chuyển đổi từ văn phòng "Dự án quan sát Lỗ đen" thuộc Đại học Harvard sẽ tổ chức gặp hàng ngày trong thời gian 10 ngày từ 5 đếb 14 tháng 4 để xác định điều kiện quan sát và đảm bảo tổng thời gian quan sát sẽ là 5 ngày. Thời tiết và tình trạng thiết bị ở tất cả các đài quan sát trong 3 đêm đầu tiên đều rất tốt. Sang ngày thứ 4 và thứ 5, trung tâm điều hành cho tạm dừng quan sát để cho các nhà thiên văn học và kỹ thuật viên được nghỉ ngơi và bảo trì thiết bị, và hai ngày quan sát còn lại được thực hiện nốt trong 5 ngày dự kiến cuối cùng.[3][22] Dự án Mảng kính thiên văn đường cơ sở dài toàn cầu quan sát trong bước sóng millimét (Global Millimeter Very Long Baseline Array, GMVA) cũng đã quan sát Sagittarius A* trước đó từ 1 đến 4 tháng Tư. Dự án GMVA tập trung vào quan sát đĩa bồi tụ và tia phóng ra từ vùng trung tâm thiên hà, trong khi dự án EHT cố gắng tập trung vào chụp ảnh biên giới của lỗ đen.[37] Trước khi thực hiện mục đích quan sát chính, EHT cũng đã tiến hành quan sát môi trường xung quanh hai hố đen, nhưng các lần đó chưa có sự tham gia của ALMA và kính thiên văn SPT.[21][36] ALMA là một thành viên quan trọng của cả hai dự án, không những nó là hệ thống kính thiên văn lớn nhất và nhạy nhất, mà còn là bởi vị trí của nó nằm ở bán cầu nam.[37] Từ những bức ảnh đầu tiên thu được các nhà thiên văn có thể kiểm chứng một số dự đoán cơ bản của thuyết tương đối tổng quát của Einstein, nhà thiên văn vô tuyến Heino Falcke nói rằng những bức ảnh này có thể làm lỗ đen từ một vật thể bí ẩn trở thành một thực thể được khoa học nghiên cứu.[21] Tuy nhiên, bởi vì các nhà khoa học ở Nam Cực ở thời điểm tháng Tư là mùa đông ở bán cầu nam, cho nên các ổ cứng chứa dữ liệu quan sát không được chuyển về trung tâm xử lý ngay mà phải đợi đến tháng 10 năm 2017 mới có máy bay có thể hoạt động ở Nam Cực,[3][21], và toàn bộ dữ liệu quan sát của dự án phải được xử lý và dự kiến kết quả được công bố tại thời điểm đầu năm 2019.[7]

Trong tương lai, các nhà thiên văn tiếp tục phát triển các kỹ thuật và công nghệ thiết bị quan sát nhằm cải thiện độ phân giải, áp dụng các phương pháp tính toán mới..., như tăng tần số quan sát lên 345 GHz hoặc bước sóng quan sát giảm xuống 0,87 mm. Tại tần số 230 GHz EHT có đủ khả năng để quan sát đĩa bồi tụ quanh lỗ đen, và ở 345 GHz nó sẽ có thể nhìn sâu hơn và quan sát vùng quỹ đạo photon quanh lỗ đen.[1] Các nhà thiên văn cũng hi vọng trong tương lai họ có thể thực hiện quay phim quá trình vật chất rơi vào bên trong và biến mất khỏi chân trời sự kiện.[7] Dự án cũng bổ sung thêm các đài quan sát khác trong tương lai như kính thiên văn Greenland gia nhập vào EHT năm 2018[17][37] cũng như các đài quan sát khác đặt ở châu Phi và trong không gian.[21]

Global mm-VLBI Array

Dự án Mảng kính thiên văn đường cơ sở dài toàn cầu quan sát trong bước sóng millimét (Global mm-VLBI Array, GMVA) cũng là một mạng lưới kính thiên văn vô tuyến với kỹ thuật áp dụng tương tự EHT. Các đài quan sát của nó là những kính thiên văn quan sát bước sóng dưới milimét ở Hawaii và ALMA ở Chile, kính thiên văn Green Bank ở Hoa Kỳ, và nhiều kính thiên văn vô tuyến khác ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Phần Lan, và Thụy Điển.[37] Sự khác nhau ở hai dự án đó là bước sóng quan sát của GMVA là 3 mm, trong khi của EHT là 1.3 mm. Đối tượng quan sát của hai dự án đều là Sagittarius A * và M87, với GMVA quan sát đĩa bồi tụ và luồng tia tương đối tính còn EHT quan sát vùng chân trời sự kiện.[36]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kính_thiên_văn_Chân_trời_sự_kiện http://www.perimeterinstitute.ca/conferences/eht-2... http://www.bbc.com/news/science-environment-352583... http://www.bbc.com/news/science-environment-389371... http://www.computerworld.com/article/2972251/space... http://blogs.futura-sciences.com/e-luminet/2015/01... http://www.natgeomedia.com/news/ngnews/56310 http://news.nationalgeographic.com/2017/04/black-h... http://blogs.nature.com/aviewfromthebridge/2017/03... http://www.nytimes.com/video/Science/1000000037251... http://w.astro.berkeley.edu/~wright/vlbi/CARMA_EHT...